Yến sào là món ăn quý hiếm, sau khi chế biến, nó trở thành loại thực
phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trước kia, tổ yến được khai thác ngoài
đảo xa, nay chim yến làm tổ, đẻ trứng trong nhà, ngay giữa lòng phố chợ.
Được tận mắt chứng kiến cảnh sáng sáng chiều chiều đàn chim ríu rít bên
con người, tôi không khỏi vui mừng và thán phục. Nuôi chim yến để lấy
tổ đang là một nghề mới, nhiều triển vọng ở thị trấn Sông Đốc, huyện
Trần Văn Thời. Hiện thị trấn Sông Đốc có đến 9 ngôi nhà nuôi yến.
Chim yến hội tụ trên bầu trời thị trấn Sông Đốc
Chú Thái Tử Văn, người đầu tiên nuôi yến ở Sông
Đốc, kể: “Sau cơn bão số 5, có rất nhiều chim yến không biết từ đâu bay
về Sông Đốc, rồi đáp vô tá túc tại nhà kho của một công ty cổ phần cách
đây vài trăm mét. Sau đó chúng bắt đầu làm tổ, đẻ trứng và sinh sôi nảy
nở, mang lại nguồn lợi lớn cho gia chủ. Chim yến làm tổ trong nhà đã làm
cho tôi và nhiều người ở đây ngạc nhiên, thắc mắc tại sao đàn yến lại
tìm đến đó sinh sống”. Thế là, từ những thắc mắc đó, chú và người em
trai là Thái Trường Danh ra công tìm tòi học hỏi, tra cứu tài liệu nói
về chim yến, quyết khám phá cho được những điều kỳ thú về chim yến và
cũng là tìm lời giải đáp cho mình. Khi cánh cửa bí mật từ từ hé mở, chú
lại tiếp tục tìm đến các chuyên gia để học hỏi với hy vọng ngôi nhà mình
sẽ trở thành ngôi nhà chung có thật nhiều tổ yến. Nghĩ là làm, chú bắt
đầu tu bổ, thiết kế lại nhà cửa theo đúng quy cách và phù hợp với tập
tính sinh hoạt của yến, rồi ra tận Nha Trang, Khánh Hòa, tìm đến những
nhà nuôi yến để tham quan, học hỏi cách dẫn dụ chim. Đồng thời, tham dự
các buổi hội thảo để tìm hiểu kỹ về đặc điểm sinh học, chu kỳ sinh sản,
làm tổ và các điều kiện thích ứng với môi trường của chim yến. Đến nay,
từ 100 giống ban đầu, đàn yến mà chú và em trai nuôi đã phát triển nhiều
vô kể.
Chú Thái Tử Văn bên ngôi nhà đang được xây dựng để phát triển nghề nuôi yến
Khi hoàng hôn buông xuống, hàng ngàn con chim yến bay về làm tổ ở khách sạn Đông Á
Chú nói: “Bí quyết để thành công trước hết là kỹ
thuật dẫn dụ yến vào nhà, kế đến là môi trường phải thoáng mát, sạch,
yên tĩnh, ít người lui tới và ván dành cho chim làm tổ phải mềm, không
có mùi vị khác thường”. Yến làm tổ bằng chính nước bọt của chúng tiết ra
rồi tự kéo thành sợi nhỏ, cuộn lại giống hình vỏ sò, gọi là yến sào (tổ
yến). Theo các chuyên gia nuôi yến, 1.000 con yến có thể làm 400
tổ/mùa, mỗi tổ được 10gr yến sào. Giá yến sào trung bình hiện nay từ 25 -
40 triệu đồng/kg. Từ những kinh nghiệm có được, chỉ sau hơn một năm
nuôi, chú Văn đã trở nên rất gần gũi với đàn chim yến và gắn bó với nghề
nuôi yến.
Có thể nói, nuôi yến trong nhà hiện nay là một
nghề độc nhất vô nhị, mở ra nhiều tiềm năng và triển vọng. Điều quan
trọng nhất là người nuôi phải được tư vấn về khu vực làm tổ và có đầy đủ
trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là biết chọn vùng có chim yến quần tụ
hoặc làm tổ. Anh em nhà chú Văn là người đầu tiên nuôi yến thành công ở
Sông Đốc và hiện anh dành hết thời gian tiếp tục nghiên cứu, học hỏi
các quy trình kỹ thuật để khai thác nguồn lợi yến sào thơm ngon nhất,
phát triển loại sản phẩm tự nhiên vô cùng quý giá này.
Theo PHẠM THUYÊN
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét